Tiết chế sự tham ăn

Có bao giờ bạn tự hỏi chúng ta ăn để làm gì không? Tôi tin chắc bạn sẽ phải ngừng lại một chút để suy nghĩ trước khi trả lời. Đấy, nghe tưởng đơn giản mà trả lời thì có dễ đâu. Và thực chất đôi khi chúng ta còn không biết vì sao chúng ta lại bỏ thứ gì vào mồm để nhai, uống, chỉ biết rằng bỏ vào nhai hoặc uống và nuốt thì cuộc sống lại “nở hoa”.

Tôi vốn là một thằng bé khá còi cọc từ những năm tiểu học. May thay mẹ tôi có mở một cửa hàng tạp hoa, từ ngày có sữa chua Vinamilk, tôi mới béo tốt hơn hẳn và thoát khỏi cái kiếp gầy gò. Kể từ đó, tôi xem việc ăn uống như một cách thỏa mãn tâm trí. Vui cũng ăn, buồn cũng ăn, đói dĩ nhiên là phải ăn và thậm chí cứ nhìn thấy những món khoái khẩu là muốn mua ăn rồi chứ chưa biết mình có đói không hay có cần phải tiêu thụ chỗ thức ăn đó hay không.

Nhìn lại quãng thời gian ấy, tôi đã đặt một câu hỏi:”Cơ thể này có thật sự cần tiêu thụ thức ăn nhiều đền thế không?”. Và gần đây tôi đã thử nghiệm chỉ cần ăn 3 bữa 1 ngày, nói không hoặc hạn chế tối đa với những thức ăn vặt. Tôi chẳng phải béo phì hay muốn giảm cân gì đâu thưa các bác. Tôi bắt đầu nhận ra đúng là có một thứ gì đó cứ thôi thúc mê hoặc mình phải…ăn.

Thế là sau một thời gian thử nghiệm, tôi nhận ra, mình không còn chú ý và đặt nặng việc phải ăn uống nữa, đôi khi có đói một chút mới được ăn tôi cũng ít quạo quọ hơn xưa. Ngày xưa mà đói một chút thì đúng là lộn gan lên trời, 1 ngày ăn mấy bữa cũng vẫn có lí do để ăn thêm. Giờ thì bạn bè lâu lâu cứ hỏi tôi, ê ăn này không? ăn kia không? tôi thường nói không tao đủ rồi và đôi khi còn nghĩ..quái lại sao chúng nó ăn lắm thế, vừa nẫy thấy nó còn nhai đồ ăn vặt nhóp nhép cả buổi chiều mà mới sập tối đã đói.

Vậy ăn để làm gì?

Tôi tạm gọi một ai đó đã thiết kế nên bộ gene của loài người là những “kiến trúc sư”. Tôi thật sự khâm phục những “kiến trúc sư” đã tạo nên cỗ máy bằng xương thịt này. Họ thiết kế nên chúng ta với một bộ máy tiêu hóa để chuyển hóa thức ăn thành năng lượng cung cấp cho các tế bào sống. Cơ bản là như vậy.

Với tri thức của nhân loại hiện nay, chúng ta đã phát hiện ra rằng, các “kiến trúc sư ” này đã bổ sung thêm một hóa chất thần kinh để sau khi ăn no đủ hoặc ăn ngon, chúng ta sẽ cảm thấy hưng phấn và có động lực để tiếp tục hoạt động. Các nhà khoa học gọi tên hóa chất này là Dopamine. Nhưng cái lắt léo là hóa chất này “gây nghiện”. Tức là sao? Nhờ opamine tiết ra mà chúng ta lại tiếp tục muốn ăn để có thể sống. Nếu không có nó, con người sẽ không còn muốn ăn uống nữa, và các tế bào sẽ không có năng lượng để tiếp tục hoạt động. Một cơ chế cực kì thông minh.

Hãy nhìn tổ tiên của chúng ta đã phải lang thang đuổi bắt thú rừng để có thức ăn cho cả ngày. Và cuối ngày họ lại ngồi ăn cùng nhau bên đống lửa. Cơ chế này hoạt động thật tối ưu với những người tiền sử.

Vì thế tôi tin rằng, mình ăn để sống.

Lỗi hệ thống

Tuy nhiên, mặt trái của Dopamine là gây nghiện, và nó chỉ phát huy tác dụng làm “món quà động lực” khi con người thực sự hoàn thành một điều gì đó có ý nghĩa và phải thực sự nỗ lực.

Nỗ lực ư? Thực sự thì bạn chỉ cần lạm dụng một vài loại thức ăn vặt vài lần là đã có đầy Dopamine chứ cần gì phải nỗ lực. Khi bạn có thể có Dopamine quá dễ dàng từ việc ăn uống thì lạm dụng chỉ là sớm muộn. Bạn sẽ ăn liên tù tì, đặc biệt là khi cơ thể gặp stress, cơn thèm Dopamine lại càng dữ dội và bạn phải tiếp tục…ăn để giảm stress.

Cơ chế ăn để sống cơ bản bị phá vỡ và đi ngược với ý đồ của các “kiến trúc sư” ngay tại thời điểm này. Và thực tế là loài người đã tận dụng lỗi của cơ chế này để tạo nên một nền kinh tế ẩm thực đa dạng và thịnh vượng chưa từng có.

Vá lỗi

Tôi ủng hộ việc tạo ra các món ăn ngon và độc đáo nhưng tôi không ủng hộ việc lạm dụng ăn uống. Nói cách khác tôi chủ trương chế ngự sự tham lam trong việc ăn uống. Mục tiêu của tôi là:”Tiêu thụ thực phẩm để có năng lượng lao động và tiếp tục tạo ra giá trị chứ không phải chỉ để thỏa mãn thú vui ẩm thực đơn thuần.”

Và tôi đã tìm ra 2 cách vá lỗi để tiết chế sự “tham ăn” vốn dĩ rất dễ bị sa đà vào.

#1 Ăn chánh niệm

Nói đơn giản là tập trung ăn để cảm nhận vị ngon của món ăn. Khi đó dù chỉ ăn 1 lượng thức ăn khiêm tốn, bạn vẫn cảm nhận được nguồn Dopamine dồi dào tiết ra trong não.

Tôi cho rằng sự tham ăn xuất phát 1 phần từ sự mất tập trung khi ăn. Ví như lúc ăn, miệng và mắt ở 2 nơi khác nhau. Miệng nhai, tay thì bấm điện thoại lướt facebook. Trong tình huống này, tâm trí của bạn đang hướng về facebook, chứ không phải thức ăn. Khi đó, cơ thể bạn chỉ tiết ra 1 phần nhỏ Dopamine so với khi bạn tập trung 100% vào việc thưởng thức món ăn. Vậy thì sao? Dopamine chưa đủ, cảm giác no chưa tới, bạn tiếp tục ăn, ăn và ăn cả thế giới mà vẫn không no. Béo phì một phần lớn từ đây mà ra chứ ở đâu xa?

Bạn đã thấy vấn đề chưa? Hãy đặt điện thoại qua một bên cho đến khi ăn xong, bạn đã có thể cứu bản thân mình rồi đó.

#2 Ăn với lòng biết ơn

Khi thức ăn bây giờ là quá nhiều và có thể bạn chẳng cần bỏ quá nhiều tiền để mua đồ ăn hoặc được một ai đó nấu cho ăn là điều quá hiển nhiên sẽ khiến bạn thấy việc có thức ăn để ăn là điều tầm thường. Khi điều gì đó trở nên hiển nhiên và tầm thường thì bạn sẽ không còn tập trung và trân trọng nó nữa. Bạn sẽ không thể hấp thu toàn bộ “năng lượng Dopamine” mà nó mang lại. Từ đó bạn lại ăn ăn và ăn cả thế giới mà vẫn không no.

Vì vậy, tôi thường có thói quen, mua ít thức ăn hơn số lượng mà tâm trí bị thôi thúc phải mua và ăn với lòng biết ơn.

Trong đạo công giáo, người ta thường có thói quen cầu nguyện trước khi ăn, tôi rất thích phong tục này. Nó luyện cho con người ta biết trân trọng và biết ơn bữa ăn của mình.

Tôi đang sử dụng thường xuyên 2 công cụ này để kiểm soát việc ăn uống của mình và thấy cuộc sống có nhiều chuyển hóa tích cực chứ chưa dám đến sức khỏe có cải thiện không. Nhưng tôi vẫn luôn tin rằng:”Chỉ cần không tham ăn là đã có thể có sức khỏe tốt chứ chưa cần nói chi xa xôi đến việc ăn uống “healthy”. Bệnh tật suy cho cùng chủ yếu cũng từ “cái miệng” mà ra.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *