Khi facebook chính thức đổi tên công ty mẹ thành Meta, phong trào "metaverse" đã trở thành một chủ để được bàn tán rất nhiều trên mạng xã hội, đặc biệt là trong giới crypto. Đã đến lúc chúng ta cần có những hình dung cơ bản về "metaverse" để đón đầu xu thế. Dù bạn có tin hay không thì cũng nên dành một ít thời gian đọc qua bài viết này. Bạn sẽ có những giây phút tuyệt vời khi chìm đắm trong một "thực tế ảo" mà chính bạn còn chưa nghĩ tới.
Metaverse là gì?
"Metaverse" là từ ghép xuất phát từ 2 cụm từ nhỏ "meta" và "verse". Verse có thể hiểu giống như "universe" (vũ trụ), một không gian xác định. "Meta" có thể hiểu là 1 hình thái mới được tạo ra từ một thứ đã có. Vậy metaverse hiểu đơn giản là một không gian mới được tạo ra để phục vụ cho một mục đích của loài người.
Nếu bạn là người mê phim ảnh, chắc hẳn bạn đã từng xem những bộ phim nói về các "vũ trụ song song" của Marvel hay không gian thực tế ảo của bộ phim nổi tiếng "Ma Trận" (Matrix). Cũng có thể hình dung metaverse gần giống như vậy.
Hình thái này được xem là một phần quan trọng trong giai đoạn "tiến hóa" tiếp theo của Internet. Đó sẽ là một không gian Internet mà bạn sẽ tương tác trong môi trường 3D chứ không chỉ còn thông qua màn ảnh 2D. Nói một cách trần trụi thì đó là sự hòa hợp giữa Internet và một môi trường đặc biệt bao gồm 2 hình thái:
- Môi trường thực tế ảo (virtual reality – VR).
- Môi trường thực tế ảo hỗn hợp (mixed reality – MR)
Môi trường thực tế ảo VR
Môi trường thực tế ảo (VR) thì cho phép bạn tương tác 100% trên môi trường 3D online và tách bạch hẳn khỏi thế giới thực. Trải nghiệm này giống như khi bạn đeo các loại kính chơi game VR headset.
Môi trường thực tế ảo hỗn hợp (MR)
Không cần định nghĩa phức tạp. Bạn có nhớ cái thời phải chạy xe khắp thành phố mình đang ở để săn Pokemon trong trò Pokemon Go hồi 2016 không? MR cho phép bạn có những trải nghiệm hỗn hợp trực tuyến và tương tác offline.
Một ví dụ khác như thiết bị HoloLens của Microsoft phản chiếu hình ảnh, các công cụ vật lý (như bàn phím máy tính) lên bề mặt phẳng hoặc trong không gian và cho bạn tương tác trực tiếp như thật.
Bất cứ loại thực tế ảo nào ở trên cũng đều có thể được sử dụng và là một phần của metaverse. Theo cái cách mà Zuckerberg nói thì ông chủ mạng xã hội này dự định chi hàng chục tỉ đô la mỗi năm trong suốt 5 đến 10 năm tới để xây dựng một thế giới metaverse. Và bản thân Zuck cũng đã công bố kế hoạch tuyển dụng 10,000 vị trí việc làm tại Châu Âu để phục vụ cho "công trình" này.
Trong khi đó, Microsoft và Disney cũng có những động thái và cam kết tương tự. Bạn có tin đây là sự thật hay chỉ là một kiểu "marketing tân thời"? Khoan hãy nhận định, xem tiếp nhé.
Metaverse trông như thế nào?
Định nghĩa Metaverse thật đơn giản phải không nào? Nhưng chúng ta sẽ không dừng lại ở đó. Hãy cùng Remitano Network (RENEC) hình dung ra viễn cảnh tương lai của metaverse, xem chúng ta sẽ tương tác như thế nào với không gian này nhé.
Hãy tưởng tượng…đây là năm 2030.
Bạn thức dậy vào lúc 8 giờ sáng sau tiếng chuông báo thức. Bạn không cần phải đến văn phòng vì kể từ năm 2020, dịch bệnh đã khiến cả thế giới phải "làm việc từ xa". Bắt đầu một ngày mới thật khó khăn khi mà tối qua bạn đi bar tới 3h sáng cùng các đồng nghiệp, xập xình thả ga và uống cũng không ít. Tổng thiệt hại khoảng 100 DOGE. Điều khác biệt là mọi thứ tối qua đều diễn ra qua trải nghiệm của kính thực tế ảo 3D (thậm chí là 4D và 5D vì bạn còn cảm thấy cả mùi rượu còn trong miệng cơ mà). Một trải nghiệm rất là "uy tín" luôn.
Tới giờ rồi, phải tắm thôi, ăn sáng và…bận đồ đàng hoàng để lên họp team vào lúc 10h sáng nữa. Bạn quyết định sẽ mặc một bộ vest emporio armani thật bảnh bao để tham gia cuộc họp bắt đầu một dự án mới. Sau khi yêu cầy Siri chọn cho mình bộ vest ưng ý và thanh toán với giá khoảng 0.2 ETH. Thế là bạn đã có một bộ "outfit" thật ngầu cho avatar của mình để tham dự buổi họp trực tuyến. Điều khác biệt là mọi thứ đều diễn ra trong một không gian 3D mà bạn thì vẫn đang ngồi ở nhà. Vi diệu chưa!
Điều đặc biệt nữa ở đây là dù bộ vest chỉ có giá trị làm avatar trong metaverse, bạn vẫn có thể yêu cầu hãng ship bộ vest thực đến nhà bạn. Trong ảo có thật, trong thật có ảo.
Bạn vào phòng họp sớm hơn dự kiến và dành ít thời gian xem lại các tài liệu sẽ dùng trong cuộc họp. Thực sự thì bạn chẳng cần phải đọc mà Siri sẽ đọc cho bạn và bạn có thể yêu cầu tăng giảm tốc độ đọc.
Điều gì đến cũng đến, cuộc họp bắt đầu với 3 đại diện đối tác bước vào phòng họp: Janella đến từ Manila, Felix đến từ Hamburg và Elisa đến từ Madrid. Ai cũng trầm trồ khen bộ vest mới của bạn.
Điều bất ngờ là các đại diện đối tác chẳng cần biết tiếng Việt, cũng như bạn cũng chẳng cần sành tiếng Tây Ban Nha, Tiếng Anh. Các vị khách trao đổi cũng bằng chính thứ tiếng mẹ đẻ của họ. Còn bạn thì được nghe giọng họ nói bằng thứ tiếng mà mình muốn nghe do Siri tự dịch và chuyển thể âm giọng.
Miệng của các vị khách cứ mấp máy và bạn thì hiểu 100% những gì họ nói nhờ Siri đã chuyển thể âm giọng, ngữ điệu và ngôn ngữ. Siri cũng làm điều tương tự với các đối tác khi bạn giao tiếp bằng thứ tiếng mình muốn. Bạn có thể nói bằng tiếng Việt cũng được, Siri sẽ lo mọi thứ còn lại.
Cuộc họp diễn ra tốt đẹp và ngày làm việc cứ thế diễn ra trong một không gian thực tế ảo. Và thực tế đây có thể là bộ dạng trong phòng riêng của bạn lúc đó.
Tối nay bạn sẽ có một bữa tiệc sinh nhật khác ở "phố Bùi Viện". Chuẩn bị "bung lụa" thôi. Bạn lại chọn outfit cho avatar của mình. Bạn nhớ ra mình vẫn còn một bộ outfit cực đỉnh đã lấy được trong game Vampyr dưới dạng NFT (Non Fungible Tokens) cách đây mấy năm, với giá cũng tầm $500 tiền pháp định. Bạn quyết định vào game và chuyển bộ đồ này ra thành outfit cho avatar của mình. Nhờ blockchain và sự phát triển của NFTs, chỉ với vài thao tác, bạn đã có thể chuyển bộ outfit về mặc cho avatar.
Ồ nhưng trước khi đến bữa tiệc lúc 9h tối, bạn đã hứa là sẽ ghé về thăm mẹ của mình ở Hà Nội…tại căn nhà trong thế giới ảo của bà. Nghe cứ như bạn phải bay ra Hà Nội ở vài tiếng rồi bay trở vào Saigon. Không không, bạn chẳng cần phải đi đâu cả.
Phố Bùi Viện hôm nay trên không gian "metaverse" vẫn ồn ào và náo nhiệt như ngoài đời thực. 2 đêm tiệc tùng liên tục khiến bạn cũng không còn đủ năng lượng để "bùng cháy" lắm. Bạn dành thời gian nói chuyện riêng với Ly, cô bạn khá quyến rũ và đầy cá tính của phòng marketing. Ly bảo cô định sắm một chiếc Triumph Bonneville Bobber tháng sau. Con gái mà đi mô tô dòng này thì phải gọi là hiếm thấy.
Cô còn nói rất háo hức sắm chiếc xe vì đã dành suốt nửa năm tiết kiệm được từ công việc bartender làm thêm vào cuối tuần ở một quán bar trong Decentraland.
Đừng ngạc nhiên nhé, chiếc Triumph Bonneville Bobber mà Ly đang kể cũng là 1 tài sản trong không gian ảo (một NFT) và tiền mà cô kiếm được trong thế giới ảo từ việc làm thêm cũng có thể dùng để mua các NFT và thậm chí là quy đổi thành tiền trong thế giới thực nếu muốn. Nền kinh tế trong thế giới thực đã hòa nhập vào không gian ảo từ lúc nào không hay. Ở cái thời này, ai cũng có 1 công việc ngoài đời thực và 1 công việc trong không gian ảo.
Thế giới đã thay đổi khá nhiều. Thậm chí trải nghiệm lái chiếc Triumph Bonneville Bobber của Ly cũng là trong môi trường không gian ảo nhưng ai mà biết được cảm giác ấy sẽ thật đến mức nào…
Chúng ta sẽ tạo ra metaverse như thế nào?
Công nghệ thay đổi chóng mặt. Đầu tiên là làn sóng PC vào những năm 1980, Internet vào những năm 1990, và thiết bị di động vào những năm 2000. Làn sóng tiếp theo sẽ là metaverse? Hãy nhớ, các làn sóng mới sẽ kế thừa những công nghệ và hạ tầng của những làn sóng trước. Internet cần máy tính (PC), thiết bị di động lại cần có Internet để phát huy hết công năng. Metaverse sẽ cần cả 2: Internet và thiết bị di động.
Web 3.0
Khởi nguồn của Internet được gọi là Web 1.0. Đó là thời kì Internet của AOL, Altavista và tiếng ò e kẽo kẹt của những chiếc modem dial up networking kết nối qua điện thoại bàn. Web 2.0 chính là hình thái Internet mà chúng ta đang dùng hiện nay. Đó là Internet của Facebook, YouTube, Netflix, Instagram, Tiktok… với các thiết bị phổ biến là laptop, điện thoại thông minh cùng hạ tầng mạng 3G, 4G. Một trong những hình thái của Web 3.0 chính là metaverse.
Có thể bạn chưa cảm nhận được sự xuất hiện của nó nhưng nó đã và đang chuyển mình. Cụ thể là những thay đổi về hạ tầng 5G với băng thông Internet tốc độ cực cao. Dự án Starlink của Elon Musk (Tesla) khi đưa vào hoạt động cũng sẽ đưa tốc độ Internet thế giới lên một tầm cao mới. Vì sao phải làm thế? Nếu đã có lần thử dùng kính thực tế ảo VR để xem các video 3D trên mạng, bạn sẽ cảm nhận được độ ì của Internet vì những trải nghiệm 3D đòi hỏi tốc độ đường truyền nhanh hơn hẳn bây giờ.
Chắc chắn sẽ còn nhiều nâng cấp về mặt hạ tầng Internet. Thậm chí các loại kính VR hiện nay dù đã phát triển hơn như dòng kính thực tế ảo Ocolus Quest 2 của Facebook (Meta), nhưng cũng còn chưa đủ nhanh, nhỏ gọn và giá thành hợp lý.
Đó là chưa kể đến công nghệ blockchain phía sau cũng như thói quen sử dụng và giao dịch sử dụng crypto vẫn còn đang phát triển.
Hình dung đi, một thực tế ảo có thể giống như cách mà bộ phim đình đám "Matrix" (Ma Trận) đã cho người xem phải trầm trồ suốt 2 thập kỉ qua. Bạn có tin hay không không quan trọng vì những viên gạch đầu tiên đã xuất hiện. Khi "nền móng" hoàn thành, metaverse sẽ phát triển với tốc độ mà bạn không ngờ tới.
Hiểu thêm về Web 3.0 qua bài viết Internet trong tương lai sẽ như thế nào?
Chúng ta có thực sự muốn thấy sự tồn tại của metaverse?
Bạn có bao giờ tự hỏi mình rằng, bạn có thích chiếc máy tính PC khổng lồ với cái màn hình to như cái thùng carton ngày xưa không? Bạn có thích Internet mà mỗi khi vào cứ chập chờn và nhức óc với tiếng dial up qua điện thoại bàn không? Bạn có thích chiếc điện thoại nắp gập to đùng những năm 2000 không? Rất có thể bạn chả thích mà còn chê bai chúng. Ấy vậy mà…những người đã dùng chúng những năm ấy… họ chính là những người tiên phong của tương lai (tức là bây giờ í).
Metaverse cũng vậy. Chắc giờ bạn cũng nghĩ những gì mà Zuckerburg trình bày về metaverse với những hình ảnh avatar hoạt hình ngồi nói chuyện với nhau đúng là xàm và vớ vẩn, game online bây giờ đồ họa còn đẹp hơn nhiều! Đừng lo, những thứ của tương lai luôn có xuất phát điểm rất "ngố", như cái cách mà chúng ta đã ví dụ về Internet và điện thoại di động những năm 2000. Có ai nói cho bạn biết rằng tương lai của những chiếc băng từ, dĩa phim CD, VCD, DVD ngày xưa sẽ là Netflix bây giờ không? Bước đệm của nó chính là truyền hình cáp đấy.
Có thể bạn đang hình dung tương lai của những thập kỉ tới thật "hết sức tưởng tượng" phải không? Nghĩ mà xem, bạn đã trải qua hàng chục năm lướt Internet qua những màn ảnh lớn nhỏ (PC, Laptop, TV, Tablet, Smartphone…). Sẽ đến lúc (và có lẽ là ngay bây giờ) bạn đã và đang chán ngấy lên rồi. Sao cứ phải lướt facebook trên chiếc điện thoại di động hàng đêm mà việc lỡ tay rớt điện thoại vào mặt đã trở thành một "tai nạn kinh điển". Sau không "chui thẳng vào màn hình" mà tương tác với bạn bè?
Ở một góc nhìn khác, metaverse còn giải quyết nhiều vấn đề khác của thế giới loài người. Ví dụ như du lịch. Nhu cầu đi du lịch bằng phương tiện di chuyển truyền thống có thể sẽ dần giảm đi, thay vào đó là du lịch khắp nơi trên thế giới qua không gian thực tế ảo.
"Chủ nghĩa tiêu dùng truyền thống" có thể cũng sẽ dịch chuyển lên không gian thực tế ảo, và biết đâu vì thế mà môi trường sinh thái của trái đất sẽ giảm bớt gánh nặng.
Con cái của bạn cũng sẽ ngồi trong lớp học với hàng chục bạn bè khác và lên bảng trả bài như cách chúng vẫn làm khi đến trường ngoài đời thực. Chỉ khác, đây là thực tế ảo. Dĩ nhiên giáo dục vẫn có giá trị thực.
Những tài sản kĩ thuật số như NFTs cũng trở nên quan trọng như những tài sản hữu hình ngoài đời thực, ví crypto của bạn cũng trở nên quan trọng như thẻ ATM hay tài khoản ngân hàng của bạn. Tuổi tác, giới tính, chủng tộc, những khiếm khuyết về mặt hình thể cũng không còn quan trọng nữa. Boom! mọi thức thật "hết sức tưởng tượng" phải không nào!
Ok, thế nhưng ta cũng phải nghĩ đến những ảnh hưởng về mặt xã hội và tâm lý đến con người khi metaverse đã đi vào cuộc sống. Các nhà cầm quyền sẽ có những động thái như thế nào trong không gian này? Những gã khổng lồ Internet sẽ thống trị những không gian này và "giam cầm" người dùng trong những "khu vườn" mới này nữa chăng? Web 3.0 sẽ giải quyết được vấn nạn kiểm soát thông tin cá nhân hiện tại của Web 2.0 chứ?
Remitano Network (RENEC) tin rằng những vấn đề trên đã từng xảy ra với Internet hiện tại và nó cũng đã được giải quyết. Vậy thì chúng ta cũng không có lí do gì phải lo ngại với metaverse.
Khi nào chúng ta sẽ thấy một metaverse thực sự?
Có thể trong vài năm tới, bạn vẫn chưa thấy những gì cụ thể như hình dung ở trên đâu. Nhưng có thể chỉ khoảng 5 năm nữa, bạn sẽ thấy những trải nghiệm đầu tiên về thực tại ảo xuất hiện trong game, mua sắm online và chắc chắn là không thể không nhắc đến ngành công nghiệp "giải trí người lớn". Chắc chắn khi ấy các công nghệ phần cứng cũng đã có những bước nhảy vọt để đáp ứng được nhu cầu về trải nghiệm và đồ họa, đặc biệt là công nghệ AI (trí thông minh nhân tạo).
Thị trường việc làm cũng sẽ dần có những biến chuyển. Chắc chắn một số ngành nghề vẫn không thể thay thế được như bác sĩ hay y tác. Nhưng sẽ có những nghề sẽ tăng vọt về nhu cầu như giáo viên trong môi trường giáo dục thực tế ảo. Những ngành nghề về kĩ thuật và lập trình cũng cần thiết khi "hạ tầng" trong thế giới ảo cần được xây dựng liên tục. Những ngành nghề sáng tạo mà AI chưa thể đáp ứng được cũng sẽ tăng về nhu cầu. Vì thế ảo cũng không khác gì thế giới thực.
Sẽ đến lúc cả dàn PC hay laptop của bạn sẽ không cần thiết nữa, mà thay vào đó là một chiếc kính VR headset, nơi bạn có thể làm việc trong không gian ảo. PC có thể trở thành "đồ cổ" lúc nào không hay, có thể là 2025 hoặc 2035.
Giả định rằng những trải nghiệm tuyệt vời trên kính thực tế ảo chỉ tốn khoảng $250 thay vì $500 như hiện nay (Kính thực tế ảo của Facebook hiện nay có giá thấp nhất khoảng $299). Và bạn có thể mua một bộ chuyển đổi (adaptor) cho điện thoại smartphone để có thể kết nối với kính VR với giá chỉ $99. Hay nó sẽ đi chung với điện thoại khi bạn mua vào năm 2025 như một phụ kiện đính kèm. Thử nghĩ đi, một làn sóng đổ xô lên thực tế ảo là điều không tránh khỏi.
Liệu chúng ta có trở nên nghiện "không gian ảo" mà tách biệt khỏi thế giới thực hay không? Sự cân bằng là yếu tố then chốt. Viễn cảnh chúng ta thoát khỏi thế giới thực ảm đạm ngoài kia để trốn vào thực tế ảo liệu có đáng lo lắm không? Nếu lo thì bạn hãy thử đặt một câu hỏi khác rằng, liệu thế giới ngoài kia là thực hay ảo? Phải chăng nó cũng chỉ là một thế giới ảo khác được tái lập để nhốt nhân loại vào trong?
Dù tương lai có như thế nào đi chăng nữa, đội ngũ Remitano Network (RENEC) luôn có niềm tin mãnh liệt rằng metaverse, Web 3.0 sẽ trở thành một phần tất yếu của nhân loại trong tương lai. Khác với Web 2.0, lần này chúng ta đã có một hình dung về tương lai từ sớm và chúng ta sẽ mạnh giạn bước tới để giải quyết.
Nào bây giờ bạn có thể quay trở về thực tại rồi đấy! Bạn thấy chuyến đi vào metaverse trong tương lai thế nào? Thú vị chứ?Hẹn gặp lại bạn vào lần sau ở một chuyến đi khác. Chúc bạn một ngày tốt lành và đừng quên đào RENEC hôm nay nhé, như một cách khẳng định niềm tin của bạn vào tương lai của Web 3.0 và Metaverse.
Bonus:
Tặng bạn 2 tựa phim hay kinh điển để bay bổng trí tưởng tượng về tương lai của metaverse:
- Ready Player One (Đấu trường ảo)
- Matrix (Ma trận)
Nguồn: Remitano