Lòng biết ơn là gì?

Hình như tôi đã được học về lòng biết ơn từ khi cắp sách đến trường, trong những bài học giáo dục công dân hay những câu ca dao:”Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…..” Nhưng kì thực, cảm thụ về lòng biết ơn trong khoảng thời gian đó đến khi qua tuổi vị thành niên hầu như không sâu sắc và không được áp dụng nhiều trong cuộc sống.

Cho đến gần đây tôi lại được tiếp xúc với một trào lưu có tên gọi là “biết ơn”. Gọi là trào lưu vì có lí do của nó. Trong trào lưu này, mọi người dùng từ “biết ơn” trong ngôn ngữ hàng ngày rất nhiều và thường xuyên. Ban đầu tôi nghe có cảm giác hơi dị dị và khách sáo, xen lẫn gì đó hơi cường điệu thì phải. Nếu ở độ tuổi 20 chắc tôi đã nói họ đúng là tào lao. Nhưng may mắn thay tôi đã 36 tuổi và đã thử tham gia trào lưu này.

Liêm chính nội tâm, tôi nhận ra rằng, bản thân mình rất ít dùng từ “biết ơn” trong ngôn ngữ hàng ngày, thay vào đó là từ “cảm ơn” hay “cám ơn”; nhưng tôi tin là mình chỉ dùng nó khi cảm thấy “tiện” mồm.

Nhưng cũng buồn cười thay, tôi lại dùng từ “grateful” trong tiếng Anh; vốn cũng là “biết ơn”; nhiều hơn chính từ “biết ơn” trong tiếng Việt. “I am grateful for it” hay “Tôi thật biết ơn vì điều đó” chính xác là câu mà tôi hay dùng với những người bạn phương Tây. Phải chăng văn hoá ngôn ngữ đã tạo ra nghịch lý kì quặc này? Tôi cũng không chắc.

Thế là tôi thử sử dụng từ “biết ơn” trong ngôn ngữ hàng ngày nhiều hơn. Tôi thấy đúng ra nói từ này nó thuận miệng hơn là từ “cám ơn”. Lúc đầu tôi còn dùng nó như một cách trêu chọc mấy đứa bạn, hay người thân, để tụi nó thấy mình giống một kẻ lập dị. Tôi cũng nhận được nhiều phản ứng lạ lùng từ họ.

Sau một thời gian sử dụng và suy ngẫm về từ này, tôi nhận thấy mình đã tiết chế được 3 thứ:

1. Sự tham lam.
2. Sự ngạo mạn.
3. Sự ghen tị.

Thật vậy, từ này có tác dụng tâm lý khá hay, cứ hễ tôi nói từ này hoặc nghĩ về nó, tôi lại thấy mình bớt “máu” hơn.

Lại liêm chính nội tâm, tôi thấy điều này hợp lý, những gì tôi đang có thực sự không hẳn là thứ tôi tự tạo ra 100%, thậm chí cả “tài năng thiên bẩm” nếu có của tôi cũng không hẳn là thứ tôi tự tạo ra. Tôi đều cần có 1 ngoại lực từ bên ngoài mà bản thân tôi không biết trước hay kiểm soát được. Vì thế tôi chẳng có tư cách gì để ngạo mạn, tham lam hay ghen tị với người khác.

Tôi chỉ có thể tự hào rằng mình đã làm hết sức có thể và tôi thấy mình thật may mắn nếu đạt được điều như ý.

Cảm nhận được “lòng biết ơn” là một việc thực sự khó, đặc biệt là khi lòng tham trong mỗi con người đang ở mức độ quá cao. Chúng ta sẽ cảm thấy những đặc ân của cuộc sống dành cho mình là một sự hiển nhiên. Không phải ai cũng nhìn ra “sự hiển nhiên” đang hình thành và lớn dần trong tâm trí. Khi đó Lòng biết ơn sẽ bị bào mòn qua thời gian.

Lòng biết ơn cũng giống như cái phanh hãm của chiếc xe, giúp chúng ta chậm lại để nhìn thấy những gì mình đang có trong hiện tại thật quý giá và biết trân trọng nó. Nhưng trân trọng để làm gì? Khi biết trân trọng những thứ mình đang có, tôi sẽ thấy mình thật may mắn và có động lực tạo ra thêm giá trị cho cuộc sống. Điều này vô hình sẽ giúp tích thêm phước đức hoặc công đức cho bản thân tôi.

Thực tế, bản thân mỗi con người đều đang vô hình nhận được những đặc ân từ cuộc sống. Hay nói cách khác chúng ta đang nhận sự giúp đỡ từ cuộc sống, từ những người xung quanh. Có thể vì sống quá nhanh mà chúng ta không nhận ra điều đó. Nếu nhận ra điều này, bạn sẽ thấy mình cần phải làm gì đó để tiếp tục tạo ra giá trị hoặc giúp đỡ những người khác để giúp chính bản thân không bị cạn dần phước đức. Điều đó không tốt chút nào phải không?

Viết đến đây tôi cũng thấy an vui lắm rồi chứ không mong cầu gì thêm.

Kết lại, tôi chỉ muốn nói việc ý thức suy ngẫm về sự “biết ơn” là điều cần thiết để có sự bình an trong tâm hồn. Tôi sẽ hướng cho con cái mình sử dụng từ “biết ơn” từ khi chúng biết nói nhiều hơn là từ cảm ơn. Tôi thấy đó là điều cần thiết, bé có thể tập nói:”Con biết ơn ba/mẹ”, “Con biết ơn ông/bà”. Đó cũng là phương châm và di sản mà tôi muốn để lại cho thế hệ con cháu của mình.

Bạn có nghĩ như tôi không?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *