Tôi chưa bao giờ biết rằng mình có quá nhiều rào cản tâm lý đến như vậy cho đến khi gọi tên được chúng. Và khi đã nhận dạng được chúng, tôi cảm thấy thật may mắn khi mình đã bắt đầu ý thức vượt ra khỏi cái “khuôn khổ” đó, để tiếp tục phát triển những tiềm năng vô hạn của bản thân.
Cuộc sống đầy rẫy sự cạnh tranh, nhưng nếu xét trên một đường chạy thì người có khả năng chiến thắng là người có ít rào cản nội tâm hoặc không có rào cản nào. Qua quá trình tìm hiểu và học tập, tôi đã đúc kết được một số tri thức có thể giúp bất cứ ai cũng có thể vượt qua được những rào cản này.
Nhận diện rào cản nội tâm
Cái gì chưa gọi tên được thì cũng rất khó nhận diện. Qua quá trình học tập, tôi đã thu nhận và biết rằng con người chúng ta cơ bản có 6 rào cản nội tâm.
1. Tôi tầm thường
2. Sợ thất bại
3. Sợ chỉ trích – phê bình
4. Tôi thiếu điều kiện
5. Tôi thiếu hiểu biết
6. Không biết mình muốn gì
Tôi tầm thường
Tôi may mắn không bị rào cản này vướng bận nhiều. Tuy nhiên, có rất nhiều người xung quanh tôi đang có tư tưởng hạn chế hoặc hạ thấp địa vị hoặc hình ảnh cá nhân của mình trong xã hội.
Nói cách khác, trong một số trường hợp, chúng ta sẽ tự khoanh vùng bản thân mình lại rằng tôi chỉ là người như thế này và không thể làm thế kia. Từ khóa được lặp đi lặp lại nhiều nhất của rào cản nội tâm này là từ “không thể”.
Có thể tư tưởng ấy vốn không có sẵn trong chúng ta nhưng chúng ta đã được lập trình từ bé và mang những dòng “code” đó trong người đến khi trưởng thành. Nếu bạn đã từng bị lập trình thì bạn cũng có thể lập trình lại chính mình bằng cách đưa từ “không thể” ra khỏi ngôn ngữ hàng ngày.
Nếu lúc nào cũng nói tôi “có thể” thì nghe có vẻ hơi ngạo mạn trong mắt xã hội nhỉ. Vậy thì hãy nói rằng:”Tôi có thể, nếu anh dạy tôi/nếu tôi học và tìm hiểu.”
Khi có người hỏi:”Anh có thể bơi biển được 2 km không?”. Tôi đoán rằng đa số câu trả lời sẽ có từ “không” trong đó (ước gì tôi sai).
Trong trường hợp này, tôi khuyên bạn nên trả lời như cách tôi đã giới thiệu “Tôi có thể, nếu anh dạy tôi/nếu tôi học và tìm hiểu.” Bởi vì chẳng có lí do gì để tôi nói mình không thể cả khi thậm chí tôi còn chưa tìm hiểu và biết nó là cái gì, phải không nào?
Giờ thì bạn đã có cách tái lập trình cho bản thân mình và vượt qua rào cản này rồi đó.
Sợ thất bại và chỉ trích
Đây là combo sợ hãi điển hình trong suốt cuộc đời của một con người. Sợ thất bại là một nỗi sợ có sức công phá to lớn. Tuy nhiên đó cũng chỉ là một ảo giác. Thất bại được định nghĩa là không chiến thắng hoặc không đạt được mục tiêu đề ra.
Từ bé, chúng ta đã được đặt vào một cuộc đua thành tích. Đó là ngay khi bắt đầu đi học và biết giao tiếp với cha mẹ, chúng ta được lập trình rằng phải có thành tích cao, điểm cao, phẩy cao, đứng thứ hạng cao trong lớp thì mới đáng khen. Còn không thì gọi là thất bại và đáng bị phê bình, chê trách và chỉ trích.
Bản thân tôi cũng là người bị lập trình như thế. Vì thế, cứ bước ra đời, làm gì đi nữa thì cũng phải canh me sao cho việc gì có khả năng thành công cao và được khen ngợi nhiều thì mới làm. Việc gì có khả năng thành công cao thì cũng tốt thôi, nhưng nếu bỏ qua những thử thách có xác suất thành công thấp hơn thì chúng ta đã bỏ qua khá nhiều cơ hội khai phá và phát triển bản thân.
Tôi bắt đầu lập trình lại bản thân bằng cách quan niệm, không có thất bại, nếu mục tiêu không đạt được thì tôi sẽ có bài học. Còn nếu đạt mục tiêu thì tôi sẽ vui và biết ơn thành quả đó. Vậy làm gì có thất bại? Nếu đã không sợ thất bại thì bảo đảm là bạn sẽ không sợ chỉ trích. Rất đơn giản phải không nào.
Thiếu điều kiện – Thiếu hiểu biết
Rào cản này nghe khó tin mà có thật. Với những người có ý chí thì đa phần sẽ không bị rào cản này cùm chân. Tuy nhiên, quan sát xung quanh, tôi lại thấy nó diễn ra nhan nhản.
Có một người em cùng chơi thể thao chung với tôi từng chia sẻ với tôi thế này:”Anh Thắng thấy không, vận động viên mình không có chuyên môn và được đào tạo bài bản như tụi phương Tây nên mình lúc nào cũng dưới cơ….” hay “Anh B ãnh có ăn học nên có kiến thức, động tác kĩ thuật đâu ra đó. Mình thấy mình không lại người ta rồi đó…”
Tôi nghe xong cũng thông cảm cho ông em và cũng chỉ biết nói rằng, em cũng có thể học và tìm hiểu để có trình độ như vậy mà, lo gì. Nhưng tôi cũng phải nói rằng thằng em tôi chơi môn này cũng có máu mặt nhé! Vậy đó, đây chính là cái rào cản thiếu điều kiện và hiểu biết mà tôi muốn nói.
Tôi nhận ra rằng, chúng ta đã bị lập trình rằng, có kiến thức và điều kiện là khi được đến trường lớp chính thống, được những người có bằng cấp hướng dẫn tận tay….Còn lại thì đều không thể tiếp cận được với những hiểu biết cao cấp.
Tôi không phủ nhận việc được đến trường lớp và có huấn luyện viên chuyên nghiệp là một điều kiện tốt. Tuy nhiên nếu không có những điều kiện đó, bạn vẫn có thể học hỏi và nâng tầm trí tuệ của mình. Bởi vì tri thức không chỉ nằm ở sách vở và trường học. Nó nằm ở khắp mọi nơi xung quanh chúng ta.
Bản thân tri thức là một loại năng lượng. Muốn chạm vào và hấp thu tri thức nào, bạn phải có tần số năng lượng tương đồng với nó. Cả khoa học và tôn giáo đều công nhận điều này. Vì thế, đừng tự bó buộc mình trong rào cản này. Chỉ cần chúng ta có một mong muốn mãnh liệt có được tri thức nào đó và nuôi dưỡng mong muốn đó bằng năng lượng của sự trân trọng biết ơn thì mọi nhân duyên sẽ đến và giúp ta đạt được nó, sớm hay muộn. Bạn đã nghe câu nói này chưa:”Khi người học trò sẵn sàng, thì người thầy sẽ xuất hiện”.
Vì thế, bản thân tôi cho rằng không có khái niệm thiếu điều kiện và hiểu biết ở đây. Rào cản này do chính chúng ta tạo ra và tự ràng buộc bản thân mà thôi.
Không biết mình muốn gì
Tôi phải công nhận một điều rằng, ở đời hơn nhau ở cái biết mình muốn gì. Trong xã hội hiện đại, có một thực tế không tưởng là nhiều lúc chúng ta không biết mình muốn gì. Nghe có vẻ tào lào nhưng mà có thật đó. Hiện tại còn chưa rõ mình muốn gì thì khó mà biết tương lai muốn đạt được gì.
Tôi chưa rõ nguyên nhân vì sao nhưng hiện thực là vậy. Điều này thật không dễ giải thích nhưng cách để giải quyết vấn đề này là cần phải kết nối lại với bản thân và tìm lại sự an vui, thanh tịnh nội tâm. Khi đó sẽ có cơ may biết mình muốn gì. Đây thực sự là một rào cản khiến chúng ta khó có thể kiến tạo một cuộc sống viên mãn. Chúng ta sẽ nói về vấn đề này ở những bài viết sau.
Trước mắt, bạn cứ nắm rõ và gọi tên những rào cản này trước. Như vậy là đã thành công 50% trên chặng đường phá bỏ toàn bộ rào cản và kiến tạo một cuộc sống như ý rồi.