Thông thường, động lực học hỏi một điều gì đó đến từ 2 yếu tố. Một là sự tò mò, hai là mong muốn cải thiện một khía cạnh nào đó trong cuộc sống. Và tôi cho rằng yếu tố quyết định bạn có lãnh hội được tri thức đó hay không đến từ câu hỏi mà bạn có trước khi tiến hành hấp thu kiến thức.
Vì sao phải đặt câu hỏi?
Nếu không có câu hỏi, bạn sẽ không biết mình muốn khai mở tri thức gì. Vì thế ở trường học, chúng ta thường được khuyến khích hãy đặt câu hỏi. Câu hỏi giống như chìa khóa để mở cánh cửa thông tin phía sau. Mỗi câu hỏi sẽ mở ra một kiến thức khác nhau.
Để mở được đúng tri thức phục vụ cho nhu cầu của mình, bạn cần biết đặt câu hỏi thuận chiều mong muốn. Đây là cái bẫy mà chúng ta hay mắc phải.
Câu hỏi thuận chiều mong muốn
Câu hỏi thuận chiều mong muốn sẽ gắn liền với kết quả mà chúng ta muốn đạt được. Tôi sẽ lấy một ví dụ trong thể thao. Hiện thể lực của tôi chưa được như mong muốn. Chỉ chạy khoảng 10 phút là tôi hết hơi, đuối sức. Ở thời điểm này tôi có 2 cách đặt câu hỏi:
Cách thứ nhất là:
“Tại sao tôi thể lực của tôi lại kém thế nhỉ?”
Và cách thứ 2 là:
“Làm sao để thể lực của tôi tốt hơn và dai sức hơn?”
2 cách đặt câu hỏi trên cơ bản cũng về vấn đề thể lực. Tuy nhiên cách đặt câu hỏi thứ 1 chỉ tập trung vào sự yếu kém của thể lực. Cách đặt câu hỏi thứ 2 hướng thẳng đến mong muốn của tôi là thể lực tốt hơn và dai sức hơn.
Cách đặt câu hỏi hiệu quả nằm ở cách thứ 2, tức là đem thứ mình mong muốn vào câu hỏi, mà không đưa thứ ngược chiều mong muốn vào.
Khi đặt câu hỏi như vậy, bạn sẽ tập trung vào cách hướng đến mục đích hơn là chỉ lòng vòng ở điều không mong muốn, hay vấn nạn trước mắt.
Đây là một nguyên lý cực kì hiệu quả, vì sao?
Ví khi đặt câu hỏi thuận chiều mong muốn, câu hỏi này sẽ đánh tan cảm xúc tiêu cực, giúp bạn tập trung vào mặt tích cực của vấn đề. Khi đó tri thức bạn tìm kiếm và sẵn sàng lãnh hội cũng sẽ tập trung vào giải quyết vấn đề chứ không lan man.
Chúng ta học hỏi và tiếp thu tri thức phải có mục đích cụ thể sau cùng. Nói cách khác là chúng ta phải biết chúng ta muốn đạt được gì, muốn cải thiện điều gì?
Nói ra nghe có vẻ tức cười, nhưng nếu để ý, bạn sẽ thấy nhiều người trong chúng ta khi gặp vấn đề sẽ đi tìm nhiều giải pháp khác nhau đến nỗi quên mất đích đến của mình. Như vậy sẽ lãng phí thời gian rất nhiều. Những tri thức nào không giúp đạt mục tiêu thuận chiều mong muốn thì chúng ta có thể gạt sang một bên.
Chỉ cần một câu hỏi thuận chiều mong muốn, bạn đã làm rõ mục tiêu, đánh tan cảm xúc tiêu cực và vì thế cũng sẽ nhanh chóng tìm ra giải pháp như ý.
Hãy thử tập thói quen đặt câu hỏi theo cách này, bạn sẽ thấy mình học mọi thứ nhanh hơn và mau chóng đạt được điều mình mong muốn, cũng như hấp thu tri thức hiệu quả hơn.