Cái bẫy của sự Đúng/Sai

Trong qua trình tập luyện thể thao cùng bạn bè, tôi thấy đa phần họ thường hỏi tôi rằng kĩ thuật như vậy là đúng hay sai, như vậy là đã đúng chưa? Mỗi khi nghe những câu hỏi đó tôi thường đứng hình khoảng là 5 giây, và trả lời, “làm sao mà tôi biết được?”

Không phải tôi thiếu trí tuệ đến mức không biết phân biệt đúng sai thật giả. Mà trong bối cảnh học tập và tập luyện một môn thể thao nào đó, tôi cho rằng không có cái gì gọi là đúng, sai mà chỉ có cái gì phù hợp với cơ thể của bạn. Nóng lạnh tự biết chứ ai mà nói dùm được.

Ví dụ, khi bạn học một thứ gì đó thì chỉ có khái niệm là bạn có tin kiến thức đó hay không chứ không phải kiến thức đó đúng hay sai.

Nếu chỉ bám chấp vào việc đúng, sai, bạn sẽ bị thao túng và dắt mũi. Vì một ai đó dám nói rằng kiến thức của tôi đúng và hãy làm theo cách tôi chỉ, thì ở 1 thời điểm khác, họ cũng có thể nói, cách họ đã chỉ bạn là sai. Vậy bạn sẽ đi đâu về đâu?

Thay vào đó, tôi thường không thích đưa ra đánh giá đúng sai mà thường hỏi người đang gặp vấn đề là họ cảm thấy muốn cải thiện điều gì hay họ muốn đạt được điều gì? Sau đó tôi lại hỏi tiếp, vậy anh đã hài lòng và thoải mái với kết quả chưa? Kể từ đó họ chẳng bao giờ lăn tăn mình đã làm đúng hay sai chưa.

Kết luận rằng, chúng ta cần biết mình muốn gì hay đã đạt mục tiêu chưa chứ không phải lúc nào cũng bám víu vào một cái gì đó gọi là đúng và sai hay tiêu chuẩn nào đó.

Một vận động viên mới tham gia tập luyện một môn thể thao, sẽ có rất nhiều người đến chỉ bảo và nói rằng, anh làm kĩ thuật đó là không ổn, như vậy là sai. Cho đến khi người đó đạt những thành tích đáng kể thì mọi người sẽ thôi bình luận đúng sai về kĩ thuật của anh ấy dù cho kĩ thuật của anh có quái dị đến đâu đi nữa.

Nếu bạn không có huấn luyện viên, thì cách tập luyện tốt nhất là thử và cảm nhận, sau đó điều chỉnh, cứ thế lặp lại cho đến khi bạn hài lòng với kết quả mình đạt được. Bạn cũng cần giữ tâm thái trân trọng biết ơn và cầu thị để nhiều người khác đến chia sẻ với bạn. Điều cần nhất là không được chấp vào việc cái kiến thức đó đúng hay sai.

Tôi không phải là 1 coach chuyên nghiệp nhưng cũng có cơ hội ở vị trí này với vai trò personal coaching. Tôi có đúc kết được một kinh nghiệm thế này.

Tôi có thói quen hỏi để người khác tự trả lời và tư duy ra giải pháp của họ. Nhiều khi sau hàng loạt câu hỏi của tôi thì người đó đã có trong đầu giải pháp cho họ. Hạn hữu lắm tôi mới phải đưa ra phác đồ.

Huấn luyện viên là một chuyên gia, một chuyên gia cần phải tìm cách làm những thứ phức tạp thành đơn giản và luôn tin rằng mọi người cùng có thể làm được như mình. Nếu ai đó muốn huấn luyện hoặc chia sẻ với bạn mà nói với bạn rằng, kĩ thuật đó khó và phức tạp lắm, chưa chắc bạn làm được, thì họ chưa phải là chuyên gia. Rất tiếc phải nói như vậy.

Và phác đồ đơn giản nhất và hiệu quả nhất đôi khi chỉ là một lời khích lệ những gì mà vận động viên đó đã làm tốt, thay vì chỉ ra những cái mà mình thấy họ làm tệ.

Cuộc sống đôi khi nghịch lý lắm 😊
You want to be right or you want to be happy?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *