Bạn có chắc rằng mình chưa bao giờ nghe tới “blockchain”. Không ư? được thôi, vậy thì “Bitcoin” hay “crypto” thì sao? Thôi nào, chắc chắn là có chứ. Báo chí và mạng xã hội vẫn đầy rẫy những bài post về các chủ đề này đấy thôi. Những gì mà chúng ta đang rỉ tai nhau hằng ngày, onine lẫn offline, những khoản lợi nhuận mà bạn có thể vừa kiếm được từ crypto đều xuất phát từ một nền tảng có tên gọi là blockchain.
Có thể bạn chẳng cần phải biết gì về blockchain cũng có thể tham gia thị trường tiền điện tử, trade lên trade xuống các kiểu. Nhưng nếu hiểu đúng về nó, bạn sẽ thấy những gì đang diễn ra chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm ẩn chứa những tiềm năng đầu tư to lớn cho khối tài sản mà mình đang tích lũy. Remitano Network (RENEC) sẽ giúp bạn hiểu đúng về blockchain mà chẳng cần phải có kiến thức chuyên sâu về công nghệ. Vào thôi!
Blockchain có thực sự khó hiểu lắm không?
Thay vì đi vào định nghĩa blockchain như những bài viết khác, chúng ta sẽ đi thẳng vào việc hiểu rõ vấn đề mà nó sẽ giải quyết.
Nào hãy thử trả lời câu hỏi này nhé:
“Làm sao bạn biết mình có 1 số tiền 100 triệu trong tài khoản ngân hàng?”
Câu trả lời có thể là bạn mở app ngân hàng lên và nhìn vào số dư phải không nào? Chính xác. Và nếu bạn chuyển 50 triệu cho một người bạn, hệ thống ngân hàng sẽ tự động trừ tài khoản của bạn và ghi có cho tài khoản kia. Hoặc nếu bạn phải ra quầy giao dịch thì nhân viên giao dịch sẽ là người thực hiện tác vụ này. Tất cả chỉ là những thông tin kế toán được ghi và lưu lại.
Thế nhưng sẽ ra sao nếu 1 ngày máy chủ ngân hàng bị hack và hacker có thể thay đổi các con số giao dịch? Nếu trung tâm dữ liệu của ngân hàng bị cháy, nổ… và dữ liệu sổ cái kế toán bị tiêu hủy? Hay thậm chí một giao dịch viên cố tình thay đổi thông tin giao dịch? Tài khoản ngân hàng của bạn sẽ ra sao? Nghe thật rùng rợn!
Bạn đang trao 100% niềm tin cho một bên thứ 3 mà nếu có rủi ro xảy ra thì chưa chắc bạn có thể lấy lại toàn bộ những gì đã mất. Dù gì thì hiện tại ngoài ngân hàng bạn cũng chưa có lựa chọn nào khác.
Nói mãi ngân hàng cũng chán, ta thử một ví dụ khác nhé.
Làm sao bạn biết chắc mình đang sở hữu chính căn nhà mình đang ở? Hay miếng đất mình đang có? Bạn sẽ đi rêu rao cả xóm rằng đây là nhà của tôi? Không, ai lại làm thế.
Bạn sẽ trả lời rằng tôi có sổ đỏ, sổ hồng phải không? Đúng và đúng hơn là cơ quan quản lý nhà đất của chính phủ mới là người ghi nhận lại thông tin sở hữu bất động sản của bạn.
Thông tin này sẽ được ghi lại trên một máy tính hay ngày xưa thì sẽ trong một tủ hồ sơ giấy đặt trong một tòa nhà nào đó. Và thực tế là nếu có cháy nổ, động đất, thiên tai xảy ra mà những tủ hồ sơ hay máy chủ của cơ quan này bị phá hủy thì ai sẽ chứng minh quyền sở hữu tài sản của bạn? Hoặc nếu một ai đó cố tình thay đổi tên chủ sở hữu thì bạn có còn là chủ tài sản đó không? Nghe thật rùng rợn!
Đây là vấn đề lớn thực sự tồn tại trong xã hội, chỉ là chúng ta vì một lí do nào đó mà không dám nghĩ đến hoặc không muốn nói ra. Vậy có một cách nào để không cần phải dựa vào một cơ quan, tổ chức cố định để xác nhận những thông tin giao dịch và sở hữu như trên không? Bạn đã thấy vấn đề này lớn chừng nào chưa? Chúng ta cùng đi tiếp để xem blockchain giải quyết vấn đề này ra sao nhé.
Chúng ta sẽ giao dịch như thế nào nếu không có ngân hàng?
Giờ hãy hình dung tiếp. Có một nhóm 10 người nhận thấy nghịch lý trên và quyết định không dùng ngân hàng hay một bên thứ 3 nữa. Họ thống nhất sẽ tự xác thực giao dịch cho nhau mà không cần biết thông tin cá nhân của nhau. Mỗi người chỉ được đánh số từ #1 đến #10. Họ quyết định sẽ làm như thế này.
1. Hồ sơ tài liệu
Mỗi người sẽ giữ 1 túi hồ sơ riêng và cùng ghi lại giao dịch của bất cứ ai với nhau trong nhóm. Mỗi hồ sơ sẽ gồm nhiều trang giấy ghi lại thông tin giao dịch. Hết tờ này thì qua tờ khác.
2. Giao dịch đầu tiên
Tiếp theo, mỗi người sẽ cầm 1 tờ giấy trắng và 1 cây viết để ghi lại thông tin tất cả những giao dịch xuất hiện giữa họ.
Giờ nhé, nếu người số #2 muốn chuyển $10 cho người số #9, #2 sẽ la lên rằng:”Tôi muốn chuyển $10 cho #9, mọi người hãy ghi chú lại nhé!”
Mọi người trong nhóm sẽ cùng kiểm tra xem #2 có đủ $10 trong số dư tài khoản không để có thể chuyển cho #9. Nếu đủ, mọi người trong nhóm sẽ đều bắt đầu ghi chú lại giao dịch này trên giấy của họ.
Như vậy là chúng ta có giao dịch đầu tiên được hoàn thành và xác nhận.
3. Những giao dịch tiếp theo sẽ diễn ra như thế nào?
Thời gian thấm thoát thoi đưa, những người khác trong nhóm cũng thực hiện những giao dịch cho nhau tương tự như trên. Ghi chú giao dịch trên trang giấy thứ 1 của mỗi người trong nhóm sẽ ngày càng dài thêm. Giả định rằng 1 trang giấy chỉ có thể ghi chú tối đa 10 giao dịch. Khi hết giấy, mọi người sẽ cất tờ giấy này vào túi hồ sơ để bắt đầu một trang giấy thứ 2.
Tuy nhiên, để kết thúc trang giấy thứ 1, mọi người trong nhóm phải cùng thống nhất niêm phong trang này lại bằng “1 ổ khóa chung duy nhất” để bảo đảm không ai có thể thay đổi thông tin của các giao dịch đã xảy ra. Cụ thể là cả nhóm thống nhất một mã số niêm phong duy nhất cho tờ giấy đầu tiên này. Điều này có ý nghĩa mấu chốt cho việc đảm bảo an toàn cho dữ liệu giao dịch.
Hiện nay, với hệ thống ngân hàng truyền thống, ngân hàng cơ bản “hứa” với bạn rằng mọi thông tin giao dịch mà bạn khai sẽ đảm bảo không bị thay đổi. Với blockchain, “niêm phong” sẽ làm việc này một cách ưu việt hơn. Chúng ta sẽ xem nhóm người này sẽ dùng cách gì để “niêm phong” trang giấy đầu tiên này nhé.
Cỗ máy ma thuật
Giờ hãy tiếp tục tưởng tượng. Bạn đang đứng đối mặt với 1 bức tường trắng toát cao và lớn vô tận, chỉ với 1 cửa sổ nhỏ phía trước mặt. Nếu bạn đưa vào cửa sổ này 1 thứ, nó sẽ cho ra một thứ khác ở mặt đối diện mà bạn không thấy được. Cỗ máy này có một số nguyên tắc bất di bất dịch như sau:
- Cỗ máy chỉ có 1 chiều vào và ra (không đảo ngược được).
- 1 thứ đưa vào sẽ chỉ cho ra duy nhất 1 thứ ở đầu kia.
Ví dụ nhé:
Bạn đưa số 4 vào cửa sổ này thì đầu kia sẽ cho ra 1 dãy kí tự duy nhất ‘dcbea’. Làm cách nào để cỗ máy tạo ra dãy kí tự kia thì không ai biết. Vì thế, giả sử bạn biết dãy kí tự ‘dcbea’ thì không có cách nào suy ra được đầu vào là số 4. Nhưng mỗi lần bạn đưa đúng số 4 ở đầu vào thì đầu ra chắc chắn chỉ có 1 dãy kí tự duy nhất là ‘dcbea’.
Chúng ta viết ngắn gọn quy trình này là hash(4) == dcbea
Thử một số khác nhé, lấy 26 chẳng hạn.
hash(26) == 94c8e
Lần này chúng ta có 1 dãy kí tự có cả số và chữ ‘94c8e’. Kì diệu chưa!
Giờ hãy thử giải 1 câu đố nhé:
Đố bạn tìm ra nội dung đầu vào để cỗ máy có thể cho ra một dải kí tự bắt đầu bằng 3 con số 0, ví dụ như 000ab hay 00098 hay bất cứ kí tự nào đại loại vậy.
Giải đố
Hãy suy nghĩ một chút về câu đố trên.
Cỗ máy chỉ có 1 chiều vào và 1 chiều ra kết quả duy nhất mà bạn không biết cách thức hoạt động của cỗ máy. Vậy làm sao để giải câu đố trên?
Chắc bạn cũng đang nghĩ tới giải pháp đơn giản nhất là cứ đem thử đại bất cứ dải số hay kí tự đầu vào nào mà bạn có thể nghĩ ra. Nếu đầu ra thỏa điều kiện là 1 dải kí tự có 3 số 0 ở đầu là xong chứ gì.
Nói chung thì chúng ta cũng không có giải pháp thứ 2 đâu. Vì thế nếu may mắn, sau vài ngàn lần thử, chúng ta có thể giải ra câu đố.
Phải nói là cực kì khó và mất thời gian để tìm ra đầu vào chính xác phải không nào? Nhưng một khi bạn đã giải đúng thì đầu ra là duy nhất. Đó cũng là nguyên tắc vàng của cỗ máy ma thuật này.
** Trong thực tế, cỗ máy ma thuật này chính là thuật toán SHA-256 được dùng trong các blockchain sử dụng giao thức bằng proof of work hay mining (đào). Việc giải câu đố và tìm ra số “niêm phong” sẽ được thực hiện bởi bộ vi xử lý của các máy tính.
Bạn có thể dùng thuật toán này để mã hóa bất cứ thông tin nào từ 1 hình ảnh, 1 văn bản, 1 đoạn video…..Và trong trường hợp của chúng ta là thông tin giao dịch được ghi trên 1 trang giấy.
“Niêm phong” dữ liệu bằng cỗ máy ma thuật
Chúng ta sẽ dùng cỗ máy này để tạo ra dải số niêm phong duy nhất cho các trang giấy đã ghi lại các thông tin giao dịch. Giờ bạn lại tưởng tượng tiếp nhé.
Bạn được đưa cho 1 chiếc hộp có ghi 1 con số trên đó là 20893. Bạn được yêu cầu giải 1 câu đố để tìm số niêm phong như sau:
“Hãy tìm một số mà khi cộng vào 20893 và đưa vào cỗ máy ma thuật thì ta sẽ có 1 dải kí tự bắt đầu với 3 số 0”.
Câu đố này cũng tương tự với câu đố đầu tiên ở trên phải không? Nhưng có vẻ nó khó hơn 1 cấp nữa.
Vẫn với phương pháp cũ, bạn sẽ phải thử hàng loạt những con số có thể có trong thế giới này, cộng và đưa vào cỗ máy, cho đến khi có được đáp án đúng.
Cứ cho là may mắn sau vài nghìn lần thử, bạn tìm ra 1 kết quả là 21191 vì 21191 + 20893 = 42084 và khi đưa vào máy thì đầu ra thỏa điều kiện.
Trong trường hợp này 21191 chính là mã số niêm phong của số 20893. Và chúng ta sẽ dán niêm phong lên trang giấy với 1 tem nhãn ghi ‘21191’. Thế là xong.
Mã số niêm phong
Trên thực tế mã số niêm phong còn có tên gọi khác là “Proof of Work” hay “Bằng chứng công việc”, với ý nghĩa con số này là bằng chứng cho nỗ lực giải ra bài toán nhằm tạo ra niêm phong cho khối dữ liệu cần đóng gói an toàn.
Giả sử sau khi mã hóa thông tin giao dịch trên trang giấy đầu tiên (của nhóm 10 người) ta được 1 con số là 20893 như ở câu đố trên. Nếu bất cứ ai muốn kiểm tra xem thông tin trên trang giấy được niêm phong có bị thay đổi không, họ chỉ cần đưa trang giấy cùng mã số niêm phong vào cỗ máy ma thuật. Nếu cỗ máy cho ra một dải kí tự với 3 số 0 đầu tiên theo đúng câu đố ban đầu thì suy ra dữ liệu an toàn và không bị thay đổi gì. Còn nếu dải số chạy ra không đúng với yêu cầu của câu đố ban đầu thì chắc chắn nó đã bị chỉnh sửa và sai lệch.
Chúng ta sẽ sử dụng nguyên tắc chung này để niêm phong cho mọi trang giấy được đóng gói lại trong mỗi túi hồ sơ.
Lưu ý: bài toán về “làm sao để đầu ra là 1 dải kí tự bắt đầu bằng 3 số 0” chỉ là 1 ví dụ cho 1 câu đố. Trên thực tế, mỗi lần đóng gói dữ liệu giao dịch trên giấy, bạn sẽ có 1 bài toán khác nhau với độ khó cũng khác nhau.
Cỗ máy ma thuật này không phải chạy bằng năng lượng “bluetooth” nhé. Nó được vận hành bằng điện năng.
Nào giờ bạn hãy nhớ lại thời điểm khi nhóm 10 người bạn hoàn thành trang giấy ghi thông tin giao dịch đầu tiên và chuẩn bị đưa tờ giấy này vào túi hồ sơ để để “niêm phong”.
Lúc này, cả 10 người sẽ cùng nhau tính toán ra con số niêm phong với giao thức của “cỗ máy ma thuật” mà chúng ta đã nói ở trên. Ai tìm ra con số niêm phong thỏa mãn yêu cầu của câu đố nhanh nhất sẽ báo cho những người còn lại. Khi này 9 người còn lại sẽ thử xem kết quả này có đúng không. Nếu đúng thì cả 10 người bạn sẽ gián mã số niêm phong này vào tờ giấy đầu tiên và cất vào túi hồ sơ.
Nhưng giả sử kết quả của 1 người đưa ra trong nhóm này (sau khi được cả nhóm thử lại) là sai thì sao? Nguyên nhân có thể là:
- Anh bạn/cô bạn này đã không đọc kĩ đề bài được đưa ra.
- Anh bạn/cô bạn này đã ghi sai một giao dịch nào đó trên giấy.
- Anh bạn/cô bạn này đã cố tính sửa thông tin giao dịch (gian lận).
Khi đó, cách duy nhất mà người này có thể làm là hủy trang giấy của mình và copy từ 1 ai đó khác trong nhóm. Nếu không thể niêm phong trang giấy này lại thì người này cũng không thể tiếp tục rút trang giấy khác ra để ghi giao dịch, và vì thế không được xem là một phần của mạng lưới. Mạng lưới vẫn bảo vệ được tính chính xác và trung thực của thông tin giao dịch nhờ sự đồng thuận của những người còn lại.
Sau đó những người còn lại trong mạng lưới vẫn tiếp tục giải câu đố đến khi có lời giải đúng được kiểm tra bởi những người khác trong mạng lưới thì thì trang giấy đầu tiên sẽ được đóng gói.
Nhưng vì sao mọi người lại dành tâm sức giải đố khi biết rằng kiểu gì cũng sẽ có một người khác giải ra cho mình? Sao không ngồi im chờ kết quả?
Câu hỏi hay đấy. Đây là lúc cơ chế thưởng phát huy tác dụng. Mọi người tham gia trong mạng lưới sẽ được thưởng nếu giải ra đúng và nhanh nhất.
Tưởng tượng nhé, nếu người bạn #5 trong mạng lưới 10 người ở trên tìm ra con số niêm phong chính xác, anh ta sẽ được thường một số tiền là $1. Số tiền này là phần thưởng tự sinh ra và nó không phải lấy từ túi của bất cứ ai khác trong mạng lưới.
Đó cũng chính là cách mà mạng lưới đào Bitcoin hoạt động trên thực tế. Việc giải bài toán để tìm mã số niêm phong cho các khối giao dịch được gọi là “đào” (mining) và phần thưởng chính là 1 lượng bitcoin. Phần thưởng là giá trị thực mà mỗi người trong mạng lưới đã cung cấp khi bỏ công sức ra, vì thế nó là điều xứng đáng và tự nhiên.
Khi càng có nhiều người sở hữu Bitcoin, giá trị của của nó cũng tăng lên theo thời gian và thế là lại càng có nhiều người muốn có bitcoin hơn. Giá trị của Bitcoin xuất phát từ sự công nhận của mỗi người và sự hữu dụng mà mạng lưới cung cấp để giải quyết vấn đề.
Và rồi khi trang dữ liệu đã được niêm phong xong, chúng ta lại tiếp tục sang trang mới và lặp lại toàn bộ quy trình trên.
Giờ bạn hãy hình dung 1 trang giấy là 1 khối dữ liệu hay còn gọi là block trong tiếng Anh còn các túi hồ sơ là mối liên kết giữa các trang giấy. Như vậy là có một chuỗi khối, thứ mà người ta hay gọi là blockchain. Đơn giản thế thôi các bạn ạ.
Đây cũng chính là cách hoạt động cơ bản của blockchain. Sau Bitcoin, các blockchain khác cũng nổi lên. Về mặt quy trình thì cơ bản cũng tương tự như trên nhưng các blockchain mới sẽ có những giao thức đồng thuận và xác nhận giao dịch ưu việt hơn nữa giúp tối ưu tốc độ giao dịch, khả năng mở rộng và bảo mật cao hơn. Đơn cử là giao thức Proof of Stake (bằng chứng cổ phần) của ETH2.0 hay Cardano, Solana, Avalanche….và cũng đừng quên Remitano Network (RENEC) nhé.
Các giao thức đồng thuận sẽ tạo nên bản sắc và tính ưu việt của mỗi blockchain. Điều đó lí giải vì sao ngành công nghiệp blockhain vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển trong tương lai. Mọi thứ chỉ mới bắt đầu.
Remitano Network (RENEC) hi vọng bài viết này đã giúp bạn có những giây phút thú vị khi tìm hiểu về blockchain. Hẹn gặp lại các bạn vào bài blog lần sau. Và đừng quên Đào RENEC hôm nay nhé!
Nguồn: Remitano