Bao dung là gì?

Bao dung là tôn trọng, thấu hiểu sự khác biệt của người khác đối với mình trong phong tục tập quán, quan niệm sống, niềm tin và tôn giáo, chủng tộc và cách thức hành động, chấp nhận cho người khác làm những chuyện mà bản thân mình không tán thành trong một sự giới hạn nhất định để hướng họ tự giác đến sự tốt đẹp. Hay nói ngắn gọn, sống bao dung là lối sống yêu thương, chia sẻ, tha thứ thay vì ghét bỏ, thù hận người khác.

Tuy nhiên, tôi thấy định nghĩa này hơi cứng nhắc. Tôi hiểu sự bao dung là 100% không chấp vào lỗi lầm mà người khác gây ra cho mình. Tuy nhiên, điều đó chỉ được gọi là bao dung nếu ngay tại thời điểm đó ta không nghĩ rằng mình sẽ không lưu trữ “dữ liệu” lỗi lầm của đối phương vào tâm trí. Vì nếu khi chúng ta vẫn còn đang ý thức không nên lưu trữ lỗi lầm của đối phương thì đó mới chỉ gọi là vị tha. Thật sự mà nói tôi chưa đạt tới cảnh giới bao dung. Nhưng bao dung để làm gì?

Bao dung để làm gì?

Bao dung sẽ giúp tâm bình an hơn và tránh tạo ác đức cho những người xung quanh, đặc biệt là những người thân của mình. Tôi có một câu chuyện của chính mình.

Tôi và Ba vẫn thường xuyên là 2 nhân vật khắc khẩu trong gia đình. Tôi còn nhớ khoảng 14 năm trước đây, cứ mỗi lần 2 cha con nói chuyện với nhau thì 90% là những câu chuyện to tiếng và tiêu cực, nếu không muốn nói là cãi nhau. Điều này xuất phát từ đâu thì tôi cứ tạm cho rằng nó xuất phát từ tính cách của mỗi người vậy.

Ba tôi cũng lớn tuổi, là người thuộc thế hệ những năm giải phóng miền Nam, tính cách vốn dĩ bảo thủ và đôi khi hơi cực đoan. Tôi thì là một thằng con mang tư duy “chủ nghĩa tư bản cấp tiến”. Nghe vậy là biết đối lập rồi.

Sự “khắc khẩu” diễn ra trong suốt 7 năm từ khi mẹ tôi mất. Đôi khi tôi chọn cách không giao tiếp để tránh những cãi vã không đáng có.

Sau đó, một sự kiện xảy ra đã làm tôi thay đổi 180 độ. Tôi không nhớ rõ sự kiện này, nhưng một ai đó đã giải thích cho tôi nghe vì sao Ba tôi lại có tính cách như thế và rằng ba tôi vốn dĩ là một người rất yêu thương vợ con, tốt cái bụng, chỉ có cái tánh là hơi cứng nhắc, ít thể hiện tình cảm.

Tôi nghe và suy nghĩ về điều này một thời gian. Cũng phải nói rằng trong thời gian này tôi vẫn chưa thay đổi hình ảnh tâm trí tiêu cực về Ba và mong muốn một ngày nào đó Ba sẽ thay đổi.

Tôi thật quá ngây thơ cho đến khi một người nào đó đã nói với tôi rằng, “Con không thể thay đổi Ba đâu. Và vì sao con phải thay đổi Ba và muốn Ba phải thay đổi?”. Khi nghe câu này, cảm giác của tôi là bất lực, kể từ đó tôi quyết định thôi Ba muốn sao cũng được, coi như người lớn tuổi thì khó tính, không chấp, vì chấp cũng chẳng vui vẻ hay thoải mái hơn gì. Cứ vậy đi. Nghĩ nhiều mệt quá.

Với tâm thái đó, khi Ba có lớn tiếng hay cằn nhằn tôi, tôi cũng im lặng nghe và không bật lại. Điều này nghe cứ tưởng như một sự bất kính, vì im lặng là sự khinh bỉ ở cấp độ cao nhất. Tôi không dám nói là mình dám khinh Ba. Ít nhất khi đó tôi có thể giúp ba bớt căng thẳng đầu óc, vì cứ mỗi khi tôi cãi lại là Ba sẽ tía tai, đỏ mặt, Ba cũng lớn tuổi lỡ có bề gì thì tôi ân hận suốt đời. Thôi tôi cứ im lặng và nghe.

Dần dần khi đã im lặng và nghe, tôi bắt đầu thấy những điều Ba nói cũng không hẳn là quá vô lý, dĩ nhiên là tôi vẫn chưa chấp nhận 100% đâu. Lúc này tôi cảm thấy mình đỡ stress hơn và dần dần tôi khởi xướng ý nghĩ sao mình không mở rộng những kiến thức công nghệ hiện đại cho Ba để Ba có thể hiểu những gì tôi đang nghĩ.

Tôi bắt đầu bằng việc mua và chỉ cho Ba sử dụng smartphone, máy tính bàn, truy cập Internet, search Google, xem YouTube và đến giờ Ba tôi đã thành thạo và hứng thú edit video trên máy tính, chia sẻ video với bạn bè xưa cũ trên facebook, zalo, mua hàng trên mạng…. Trước đây tôi từng có cảm giác Ba là một con người của những năm 1980s bị kẹt ở dòng thời gian 2010s. Sự “bất hợp lý” về “dòng thời gian này” đã khiến ba có một chút “tự ti” với thế giới bên ngoài.

Cũng bằng cách này, tôi đã có thể nói chuyện với Ba một cách dễ dàng hơn và hình ảnh tâm trí tiêu cực về Ba đã dần dần bị mờ đi bớt. Cũng từ một câu nói của ai đó mà tôi thấy những gì tôi làm là hợp lý:“Lúc bé Ba có thể kiên nhẫn chỉ tôi cách cầm đũa, bút, chỉ tôi làm toán dù tôi học ngu cỡ nào đi nữa. Vậy sao khi lớn, tôi không thể kiên nhẫn với Ba?” 

Cho tới bây giờ, thì tôi có thể tự tin nói thẳng với Ba khi nằm trò chuyện với ông rằng:“Ba cứ yên tâm đi, dù sau này Ba có già và yếu, vẫn có con bên cạnh chăm và lo cho ba đến cùng, bất kể con phải lo cho vợ hay con cái. Ba vẫn là trách nhiệm lớn của con. Ba đã cố gắng cả đời rồi.” Tôi mong ông sẽ yên tâm và tin tưởng tôi khi nghe điều này.

Cũng phải nói rằng, tới giờ thì lâu lâu Ba vẫn cứ cằn nhằn tôi chứ không dứt đâu, nhưng tôi hầu như rất ít phản ứng tiêu cực với những cằn nhằn đó. Tôi hiểu rằng nếu mình phản ứng tiêu cực với những gì Ba đem đến thì vô hình tôi đã tích ác đức cho Ba. Tôi sẽ đối đãi ngược lại với Ba bằng sự vị tha, cảm thông và yêu thương để tích phước đức ngược lại cho Ba, đem đến cho Ba một tần số giao động điện từ dương, tích cực. Vậy sẽ tốt hơn cho Ba và cả cho tôi.

Vậy tôi có phải đã bao dung không? Không, vẫn chưa phải là bao dung. Có thể đó chỉ là vị tha. Để đến được với bao dung, tôi cần phải huân tập nhiều và cần thời gian hơn nữa. Nhưng tôi vui vì ít nhất mình đã dần dần ngộ ra điều đó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *